[Review Sách] “Mộ Đom Đóm”: Câu Chuyện Về Tình Cảm Anh Em Lấy Đi Nước Mắt Của Người Đọc
Ngày 21 tháng Chín năm 1945, một đứa trẻ lang thang chết trong ga Sannomiya. Ở đai cuốn bụng đầy rận của cậu, người ta tìm thấy một hộp đựng kẹo. Khi nhân viên nhà ga ném chiếc hộp vào bóng tối, những con đom đóm bay lên tán loạn và những mẩu xương trắng lăn ra. Đó là xương đứa em gái bốn tuổi của cậu, đã chết do suy dinh dưỡng,...
Đọc những câu văn trên, tôi thấy thật ám ảnh. Vậy nên, nếu bạn là 1 người chỉ đơn giản tìm mua cuốn sách này vì bìa sách được thiết kế rất đẹp, tôi khuyên bạn đừng mua nó. Còn nếu bạn muốn hiểu hơn về một góc khuất của đất nước Nhật Bản năm 1945 thì đây chắc chắn là tác phẩm bạn không thể nào bỏ qua.
Nosaka Akiyuki là một nhà văn người Nhật Bản. Ông sinh năm 1930 tại Kamakura thuộc tỉnh Kanagawa. Ông lớn lên cùng em gái trong gia đình Harimaya tại Noda, Hyogo. Người em gái của ông đều chết vì suy dinh dưỡng, trong khi người bố nuôi của ông mất trong trận ném bom của Mĩ tại Kobe. Nosaka đã dựa vào những trải nghiệm và đau thương, mất mát trong cuộc đời mình để cho ra đời tác phẩm Mộ đom đóm.
Mộ đom đóm không khác nào lời cầu siêu cho cô em gái đã khuất của Nosaka.
Nhà phê bình văn học Ozaki Hotsuki
Qua tác phẩm này, người đọc sẽ thấy được bi kịch của những thanh thiếu niên Nhật Bản thuộc thế hệ đổ nát và chợ đen’ qua hình ảnh của 2 nhân vật chính là Seita và Setsuko.
Nghệ thuật đảo cấu trúc truyện độc đáo.
Truyện mở ra khung cảnh nhà ga Sannomiya nhộn nhịp, đông đúc với mùi thức ăn tỏa ra ngào ngạt. Trong khung cảnh tưởng như rất đời thường ấy, hiện lên hình ảnh cậu bé Seita đã chết vì suy dinh dưỡng. Trong đống quần áo đầy chấy rận của cậu, người ta tìm được một hộp kẹo’ gỉ sắt, bên trong là ba mẩu xương nhỏ’ của Setsuko, em gái cậu. Nhà văn đưa ta quay về trận ném bom ở Kobe, khi mẹ của Seita và Setsuko bị bỏng nặng do bom và qua đời. Hai anh em phải sống tại nhà một bà cô vợ của em họ bố, nhưng họ nhanh chóng bị bà ta ghét bỏ, lạnh nhạt. Seita và Setsuko liền rời đi và trú trong một hang tránh bom gần đấy. Tuy nhiên,vì thiếu thức ăn nên Setsuko ngày càng gầy yếu, suy dinh dưỡng và bị tiêu chảy. Và cô bé qua đời. Seita đặt em gái vào giỏ mây cùng với những vật dụng thân thiết của em. Khi lửa bùng lên, hàng ngàn con đom đóm bay xung quanh khiến Seita nghĩ chúng sẽ cùng Setsuko bay lên thiên đường.
Xuyên suốt tác phẩm là hình ảnh đom đóm nhấp nháy, lập lòe...
Nếu như ví cuộc đời của hai anh em là bóng tối âm u, mù mịt thì những chú đom đóm tỏa ra ánh sáng yếu ớt kia chính là những vị cứu tinh bé nhỏ, giúp cho họ nhìn ra ánh sáng le lói, nhỏ nhoi tưởng như thật dễ dàng bị dập tắt. Đom đóm cũng là niềm hy vọng bé nhỏ của 2 anh em, và là những người bạn luôn luôn bên cạnh Seita và Setsuko trong những đêm dài trong hang tối lạnh lẽo. Vậy nên, khi những con đom đóm chết, Setsuko đã xây mộ cho chúng, như thể hiện lòng biết ơn chân thành dành cho những người bạn bé nhỏ của mình.
Nét nghệ thuật làm nên bụi vàng của tác phẩm.
Nhà văn Paustovsky
Quả là vậy. Hình ảnh những con đom đóm chính là hình ảnh đắt giá nhất của tác phẩm.
Thế giới cổ tích thơ mộng hay bi kịch chiến tranh?
Đọc tựa đề Mộ đom đóm, người đọc cứ ngỡ sẽ lạc vào một thế giới thơ mộng như trong truyện cổ tích. Nhưng không phải vậy. Bao trùm khắp truyện là cái đói hoành hành lấy hai anh em Seita và Setsuko. Cái đói đã khiến cho bà cô góa của 2 anh em xa lánh, khinh bỉ và ghét bỏ họ chỉ vì một túi gạo. Cái đói khiến Seita phải nặn mụn trứng cá bỏ nhân trắng nhờn vào miệng. Và có thể nói rằng, cái đói bắt nguồn từ chiến tranh tàn khốc. Chiến tranh đã gây ra biết bao đau thương và mất mát. Hai anh em đáng lẽ được hưởng một cuộc sống êm ấm trong một gia đình hạnh phúc, thì nay lại trở thành trẻ mồ côi và sống một cuộc sống khổ cực. Là nhà văn với ngòi bút hiện thực, Nosaka đã khắc họa đúng bi kịch của con người Nhật Bản trong chiến tranh thế giới thứ hai. Bi kịch khi hai anh em còn quá nhỏ mà đã mất cả cha lẫn mẹ. Bi kịch khi Setsuko phải chết vì suy dinh dưỡng. Bi kịch khi trước ngày chính phủ Nhật tuyên bố chính sách dành cho trẻ mồ côi, Seita lại qua đời. Tuy nhiên, vượt lên mọi điều khốn khổ đó là tình cảm anh em gắn bó, bền chặt và khăng khít giữa Seita và Setsuko.
Tình cảm anh em vượt lên mọi thách thức của cuộc sống
Là một người anh trai, Seita luôn bao bọc, che chở và dành những điều tốt nhất cho Setsuko. Cậu thương em đến mức khi biết Setsuko cần bổ sung dinh dưỡng, cậu đã nghĩ đến việc cắt ngón tay để cô bé uống máu. Cậu thậm chí sẵn sàng để Setsuko ăn thịt cả ngón tay của mình nữa. Seita yêu em gái mình đến độ cậu đặt cược mạng sống của mình để lấy trộm lương thực cứu Setsuko khỏi cơn đói. Khi tiếng kẻng leng keng vang lên báo hiệu máy bay địch sắp đến, thay vì trốn vào hầm trú ẩn thì cậu lại cố gắng đào khoai và kiếm thức ăn cho Setsuko. Hay khi Setsuko qua đời, Seita vẫn đặt xác em mình lên đầu gối, vuốt ve mái tóc em và áp vầng trán lạnh ngắt vào má mình. Setsuko cũng rất yêu anh trai mình. Khi Seita bị bắt vào đồn cảnh sát vì ăn trộm lương thực của người dân trong vùng, Setsuko xoa lưng Seita đang khóc nức nở và không thôi gặng hỏi Anh đau ở đâu à? Hai anh em đều là những đứa trẻ ngoan ngoãn, ngây thơ và mạnh mẽ.
Lời kết
Đọc xong Mộ đom đóm, tôi tin rằng ai cũng nên ngẫm lại một lúc để cảm nhận về những đau thương mà hai anh em Setsuko và Seita phải trải qua nói riêng và những đứa trẻ mồ côi những năm 45 nói chung. Truyện tuy không có kết hậu nhưng lại ẩn chứa những chiêm nghiệm, suy ngẫm của nhà văn. Nosaka đã vẽ lại bức tranh một xã hội đầy rẫy những đói khổ, mất mát, đau thương của Nhật Bản thời bấy giờ. Nhưng hiện lên rực rỡ hơn cả là tình anh em đầy thấm thía. Hãy tìm đọc Mộ đom đóm nếu có cơ hội bạn nhé. Tôi tin rằng bạn sẽ không hối tiếc khi có trong tay một cuốn truyện rất xúc động như Mộ đom đóm của Nosaka Akiyuki đâu!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét